LILAMA18 CÙNG GHI DANH VIỆT NAM TRÊN BẢN ĐỒ NĂNG LƯỢNG TÁI TẠO NGOÀI KHƠI THẾ GIỚI

Ngày đăng: 09/12/2024

Những ngày đầu tháng 12 cũng là những ngày cuối kết thúc năm tài chính 2024, Tại Bà Rịa-Vũng Tàu, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự chuỗi các sự kiện về dầu khí và điện gió ngoài khơi có quy mô nhiều tỷ USD, đánh dấu bước ngoặt phát triển của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam) và Tổng công ty Cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí Việt Nam (PTSC).

     Cùng với chuỗi 5 sự kiện bao gồm: Lễ hạ thủy và bàn giao 33 chân đế điện gió ngoài khơi dự án Greater Changhua 2b&4 (CHW2204) cho khách hàng Orsted (Đan Mạch); Lễ ký hợp đồng chế tạo và cung cấp chân đế điện gió ngoài khơi cho các khách hàng quốc tế tại thị trường châu Á - Thái Bình Dương; Lễ khởi công chế tạo 4 trạm biến áp ngoài khơi (OSS) cho dự án điện gió ngoài khơi Baltica 02 tại biển Baltic - một trong những dự án điện gió lớn nhất trên thế giới; Lễ khởi công giàn công nghệ trung tâm của chuỗi dự án điện khí Lô B - Ô Môn; Lễ trao hợp đồng FSO mỏ Lạc Đà Vàng, Lilama18 cũng là đơn vị chính thức hoàn thành các công việc quan trọng trong chuỗi sự kiện trên đón năm mới với mốc hoàn thành mới dự án trên cảng Dầu Khí Vũng Tàu:

     Tháng 5 năm 2023, cùng với Tổng thầu PTSC, LILAMA18 bắt đầu chế tạo chân đế điện gió ngoài khơi cho dự án CHW2204 - ở Đài Loan, đến tháng 11 năm 2024 Lilama 18 đã xuất sắc hoàn thành công việc của mình. Công việc LILAMA18 thực hiện là Gia công và lắp dựng trên bờ 02 bộ chân đế; Lắp dựng trên bờ 10 bộ chân đế.

     Dự án CHW2204 tại Đài Loan có tổng công suất 920 MW. Đây là trang trại điện gió ngoài khơi hiện đang trong quá trình thực hiện đầu tư và dự kiến sẽ là một trong những dự án điện gió ngoài khơi lớn nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự án này đánh dấu sự thay đổi tư duy, chuyển dịch, mở rộng mô hình sản xuất (từ đơn chiếc, sang sản xuất hàng loạt, quy mô lớn, chu trình sản xuất theo chuỗi khép kín hoàn toàn khác biệt với dầu khí truyền thống) của PTSC. Đây là lần đầu tiên Việt Nam có được hợp đồng xuất khẩu giá trị lớn trong lĩnh vực năng lượng tái tạo ngoài khơi. Việc trúng thầu và thực hiện thầu phụ hợp đồng này, ngoài việc tạo ra bước ngoặt lịch sử cho PTSC trong việc phát triển dịch vụ mới, tạo ra tiếng vang, nâng tầm thương hiệu, ghi tên Việt Nam trên bản đồ năng lượng tái tạo ngoài khơi thế giới, sẽ còn tạo hiệu ứng lan tỏa, cùng với PTSC, LILAMA18 đã góp phần hình thành chuỗi cung ứng cho ngành năng lượng tái tạo ngoài khơi tại Việt Nam.

 

 

 

Ảnh: Thi công lắp dựng chân đế điện gió

 

     Trong quý 2 năm 2024, liên danh Semco Maritime và PTSC M&C đã trúng thầu EPC cho 4 trạm biến áp ngoài khơi (công suất 375 MW mỗi trạm) cho dự án Baltica 2 - tại Ba Lan, đánh dấu bước nhảy vọt của PVS PTSC trong việc tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị điện gió ngoài khơi toàn cầu. Tại dự án này, Lilama 18 đang triển khai công việc với nhà thầu PV Shipyard. Công việc Lilama18 đảm nhận là Gia công lắp dựng trên bờ phần kết cấu thép 02 Topside.

      Dự án Baltica 2 OSS là minh chứng cho sự hợp tác xuyên biên giới và đổi mới công nghệ, đưa liên danh Semco Maritime và PTSC M&C lên vị trí hàng đầu trong quá trình chuyển đổi năng lượng xanh toàn cầu. Dự án này cũng đánh dấu sự hợp tác thành công lần thứ ba giữa Semco Maritime và PTSC M&C trong việc tiếp cận, đấu thầu, và thực hiện các dự án trạm biến áp ngoài khơi. Các bên đang tiếp tục phát triển mối quan hệ hợp tác hoàn hảo này để theo đuổi các cơ hội trong các dự án OSS tại nhiều khu vực thị trường trên thế giới.

 

 

 

Ảnh: Công tác chuẩn bị thi công lắp dựng 02 Topside Baltica 2

 

     Đối với chuỗi dự án khí điện Lô B - Ô Môn là  dự án trọng điểm của Nhà nước có quy mô lớn tại Việt Nam. Chuỗi dự án bao gồm tổ hợp các dự án thành phần: Dự án phát triển mỏ Lô B (thượng nguồn), Dự án đường ống Lô B - Ô Môn (trung nguồn) và 4 nhà máy điện (NMĐ) khí Ô Môn (hạ nguồn). Gói thầu EPCI #2 là gói thầu quan trọng trong phần thượng nguồn, góp phần định hình các mốc quan trọng của Dự án khí Lô B, trong đó có mốc đón dòng khí đầu tiên (First Gas). Gói thầu bao gồm các cấu kiện chính: 04 giàn thu gom/ giàn đầu giếng (Hub platforms/ Wellhead Platforms) có tổng khối lượng gần 15.000 tấn; 3 đường ống nội mỏ 20 inch, 1 đường ống 8 inch với tổng chiều dài gần 50 km. Góp phần trong dự án này, Lilama18 thực hiện phần lắp dựng, chạy thử trên bờ 02 Topside với nhà thầu PVC – MS. 

     Cùng với chuỗi dự án xuất khẩu các trạm biến áp ĐGNK sang châu Âu, thị trường hàng đầu thế giới về điện gió ngoài khơi, Lilama18 đang chuẩn bị gia công lắp dựng phần kết cấu thép Topside cho PV Shipyard Trạm Biến Áp ngoài khơi Fengmiao Gia công lắp dựng trên bờ phần kết cấu thép 01 Topside xuất khẩu sang khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Dự án được tập đoàn Copenhagen Infrastructure Partners (CIP), nhà đầu tư và phát triển dự án điện gió ngoài khơi hàng đầu thế giới đến từ Đan Mạch đã ký hợp đồng với liên danh PTSC M&C và Semco Maritime. Theo đó, liên danh này được lựa chọn là nhà cung cấp ưu tiên cho hạng mục trạm biến áp ngoài khơi của dự án điện gió ngoài khơi Fengmiao do CIP phát triển tại Đài Loan (Trung Quốc).

     Tại cảng dịch vụ PTSC Phú Mỹ, Công ty cổ phần Lilama 18 đang tiến hành công tác tổ hợp, lắp đặt hoàn chỉnh máy đầu tiên thuộc hợp đồng đầu tiên trong chuỗi 4 hợp đồng liên tiếp (tổng cộng 5 máy) với đối tác Neuero Industrietechnik (Đức). 1 máy Ship unloader Multiport M800 thuộc dự án San Miguel Corporation (Philipines) với tổng khối lượng gia công chế tạo hơn 170 tấn đã được hoàn tất và vận chuyển tới khu vực bãi cảng vào cuối tháng 10/2024; hiện đang được tổ hợp, lắp đặt tại cảng với tổng khối lượng toàn bộ hơn 220 tấn. Dự kiến máy sẽ được giao hàng lên tàu xuất đi Philipines vào giữa tháng 2/2025. Tiếp theo, Lilama 18 cũng đã bắt đầu triển khai dự án số 2 tiếp theo 1 máy Ship unloader Flexiport F1000 cho dự Foremost (Philipines) với khối lượng gia công chế tạo hơn 162 tấn, khối lượng tổ hợp lắp đặt hơn 273 tấn, dự kiến xuất đi vào tháng 4/2025. Ngoài ra, Lilama 18 đang tiến hành các công tác chuẩn bị thực hiện dự án số 3 gồm 2 máy Ship unloader Combiport C400 cho dự án CJGC (Nhật) với khối lượng gia công chế tạo hơn 220 tấn, khối lượng tổ hợp lắp đặt hơn 340 tấn, dự kiến xuất đi vào tháng 5/2026 và số 4 gồm 1 máy Ship unloader Flexiport F800 cho dự án Tomakomai (Nhật) với khối lượng gia công chế tạo hơn 160 tấn, khối lượng tổ hợp lắp đặt hơn 270 tấn, dự kiến xuất đi vào tháng 3/2026.