THỦ TƯỚNG CẮT BĂNG KHÁNH THÀNH NHÀ MÁY NHIỆT ĐIỆN VŨNG ÁNG 1.
Ngày đăng: 02/10/2015
Ngày đăng: 02/10/2015
Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 do Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) làm chủ đầu tư, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là tổng thầu EPC. Nhà máy có tổng công suất 1.200MW với 2 tổ máy, đã đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 từ ngày 31-12-2014 và tổ máy số 2 từ ngày 12-5-2015.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cắt băng khánh thành nhà máy.
Dự án có công suất tổ máy lớn (600MW), sử dụng công nghệ đốt than phun trực tiếp tiên tiến, hiệu quả cao, đáp ứng tốt yêu cầu bảo vệ môi trường. Đây là một trong số ít các dự án đạt mức nội địa hóa đáng khích lệ (30%), trong đó có gói thầu tỷ lệ nội địa hóa lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất. Đến nay, nhà máy đã cung cấp cho hệ thống điện quốc gia hơn 3 tỷ kWh. Hằng năm, nhà máy sẽ cung cấp cho hệ thống khoảng 7,2 tỷ kWh, góp phần đáp ứng nhu cầu của khu vực nói chung và hệ thống điện quốc gia nói riêng. Doanh thu của nhà máy dự kiến khoảng 7.000 đến 8.000 tỷ đồng/năm, góp phần quan trọng vào tổng doanh thu của tập đoàn, thu ngân sách Trung ương và địa phương.
Tổng giám đốc LILAMA - Lê Văn Tuấn phát biểu tại buổi lễ.
Theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng giám đốc LILAMA, Vũng Áng 1 là dự án lớn nhất do LILAMA, một nhà thầu trong nước làm tổng thầu. Vượt qua mọi khó khăn trong quá trình xây dựng, hai tổ máy của nhà máy đã kết thúc thành công mọi thử nghiệm theo yêu cầu để bàn giao cho chủ đầu tư vận hành thương mại. Tại dự án này, LILAMA đã kế thừa và phát huy kinh nghiệm quản lý từ các dự án EPC trước đó. Lực lượng điều hành dự án của LILAMA đã đảm nhận hầu hết phần việc quan trọng trong chuỗi từ lập kế hoạch chạy thử, điều động chuyên gia đến chạy thử từng hệ thống công nghệ...
Tuy thời gian hoàn thành có dài hơn tiến độ hợp đồng, dự án đã có được những thành công nhất định với kết quả đạt được hết sức khích lệ, được chủ đầu tư cũng như Hội đồng nghiệm thu Nhà nước đánh giá rất cao khi so sánh với các nhà máy điện đốt than khác đã và đang được xây dựng trong nước,qua các tiêu chí như hiệu suất lò hơi cao, công suất tổ máy tăng, vận hành ổn định, tuân thủ chặt chẽ yêu cầu môi trường. Cụ thể, mỗi tổ máy phát công suất cao nhất đạt 632MW (vượt 5,8% công suất định mức); công suất phát tinh lên lưới của hai tổ máy tăng thêm 14,4MW, suất tiêu hao sinh nhiệt giảm, làm lợi cho chủ đầu tư hàng trăm triệu USD về chi phí đầu tư cũng như chi phí vận hành trong suốt vòng đời nhà máy do tăng công suất nhưng lại tiết kiệm nhiên liệu. Các chỉ số khí thải ra môi trường cũng thấp hơn nhiều so với cam kết; hệ thống xử lý tro xỉ hoạt động khép kín giữ cho nhà máy luôn được sạch, không gây tác động xấu đến môi trường xung quanh. Hai tổ máy đến nay luôn hoạt động phát điện lên lưới ổn định ở mức tải cao, góp phần khắc phục tình trạng thiếu hụt điện năng trong giai đoạn cao điểm nắng nóng vừa qua.
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, việc xây dựng thành công Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 có ý nghĩa bước ngoặt, đây là nhà máy nhiệt điện chạy than có công suất tổ máy lớn nhất Việt Nam, công nghệ tiên tiến hiện đại, sử dụng than trong nước là chính. Lần đầu tiên chủ đầu tư, tổng thầu EPC đều là doanh nghiệp của Việt Nam, thực hiện chủ trương phát huy nội lực, trong đó cơ khí chế tạo, lắp máy là lĩnh vực quan trọng. Thủ tướng khẳng định, chúng ta luôn luôn khuyến khích đầu tư nước ngoài nhưng đi liền phải có nội lực mới đẩy nhanh công nghiệp hóa, hiện đại hóa được.
Thủ tướng đánh giá cao, biểu dương nỗ lực của các cán bộ, kỹ sư công nhân người lao động trên công trường đã vượt qua nhiều khó khăn, vươn lên làm chủ công nghệ, đóng góp vào phát triển kinh tế xã hội, nâng cao năng lực ngành lắp máy. “Điều đáng mừng là đội ngũ kỹ sư, công nhân Việt Nam trưởng thành, có thể tự làm được các nhà máy điện thủy điện, nhiệt điện bằng than, bằng khí”, Thủ tướng phát biểu. Bên cạnh đó, Thủ tướng lưu ý, trong thời gian tới, phải tiếp tục phát huy nội lực, không được chủ quan, thỏa mãn vì yêu cầu kỹ thuật, công nghệ ngày càng cao hơn. Việt Nam từ chỗ thiếu điện, đến nay đã có thừa công suất 20-25% để dự phòng. Với yêu cầu bảo đảm đủ điện cho đất nước, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị được giao nhiệm vụ chủ đầu tư, tổng thầu những dự án điện lớn như Thái Bình, Sông Hậu, Long Phú, Quảng Trạch... phải nỗ lực hơn nữa, hoàn thành các dự án bảo đảm chất lượng, kỹ thuật, đạt tỷ lệ nội địa hóa ngày càng cao hơn.
Đối với tỉnh Hà Tĩnh, Thủ tướng bày tỏ vui mừng trước những kết quả vượt bậc, đang trân trọng của Đảng bộ, nhân dân tỉnh. Nhưng đây mới là bước đầu, không vội thỏa mãn, bởi triển vọng, tiềm năng lợi thế phát triển của địa phương còn rất lớn. Tổng vốn đầu tư thu hút vào Khu kinh tế Vũng Áng còn có thể gấp đôi, gấp 3 hiện nay. Từ đó, phát triển Vũng Áng trở thành khu kinh tế tổng hợp, đa năng của Hà Tĩnh cũng như khu vực Bắc Trung Bộ, góp phần cùng cả nước đi lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh Hà Tĩnh phải chủ động, giữ gìn tốt an ninh trật tự, bảo vệ môi trường.
Theo LILAMA.